Tư duy thiết kế - Phần 02
Củng cố căn bản tư duy thiết kế trong việc định hướng hình ảnh, ý tưởng..
Một vấn đề mà Đạt đã từng mắc phải là thiết kế mọi thứ theo bản năng, sáng tạo dựa trên những yếu tố thông dụng được sử dụng liên tục đến mức nhàm chán, và tự mặc định rằng những yếu tố này nên như thế, phải như thế mà không thể giải thích được tại sao lại như vậy – hoặc tại sao không. Một thời gian sau, Đạt mới nhận ra rằng mọi thứ bắt nguồn từ việc mất khả năng tư duy thiết kế của bản thân.
1. Biểu hiện thường thấy khi tư duy thiết kế bị mất căn bản (thiếu tính định hướng)
Dưới đây là những vấn đề mà Đạt đã từng trải qua, buộc phải dành nhiều thời gian để khắc phục và không ngừng hoàn thiện khả năng tư duy sáng tạo của bản thân:
Thường xuyên bị bí ý tưởng khi tìm kiếm và lựa chọn các yếu tố thị giác (kiểu chữ, màu sắc, hình ảnh, v.v.) sao cho phù hợp với nội dung thiết kế (Design Brief) đã đề ra.
Không biết cách phân tích một ấn phẩm thiết kế sẵn có ngoài việc đánh giá theo cảm quan cá nhân (chỉ thấy nó đẹp hoặc không đẹp) và gặp khó khăn trong việc trình bày ý tưởng thiết kế của chính mình.
2. Những thói quen có thể khiến tư duy thiết kế của bạn bị hạn chế và dần mất đi khả năng định hướng.
Sau khi nhận ra những thói quen này gây hại và ảnh hưởng lớn đến khả năng tư duy, chúng khiến tác phẩm không đạt được kỳ vọng mà Đạt mong muốn:
Chỉ xem và tham khảo các ấn phẩm thiết kế sẵn có (Design References) để tìm chất liệu, thay vì tự phân tích và định hướng yếu tố thị giác dựa trên sự phù hợp, có câu chuyện dẫn dắt từ nội dung thiết kế (Design Brief). Tóm lại, khi thấy nhiều người áp dụng, bản thân cũng áp dụng theo một cách thụ động.
Chạy theo xu hướng hình ảnh mà quên đi những nền tảng thị giác quan trọng như kiểu chữ (Typeface), hình dạng (Shape), màu sắc (Color), hình ảnh (Image) và bố cục (Layout). Điều này dẫn đến việc chỉ có khả năng làm theo, bắt chước, nhưng không thực sự hiểu bản chất của chất liệu, hình ảnh. Chúng là gì? Xuất phát từ đâu? Được hình thành từ những trải nghiệm thị giác (Visual Experience) nào? Và tại sao chúng lại phù hợp với nội dung cần truyền tải?
3. Cách khắc phục và lấy lại khả năng định hướng trong tư duy thiết kế.
Trong quy trình làm việc của Đạt hay của chính các bạn, đôi lúc chúng ta chạy quá nhanh theo nhịp công việc, dần bỏ qua và xem nhẹ những yếu tố quan trọng. Một trong những phương pháp hữu ích là xây dựng bảng trình bày tín hiệu thị giác (Moodboard) để hình tượng hóa suy nghĩ, ý tưởng, đồng thời giúp chúng ta rà soát xem liệu chúng có đi đúng hướng mong muốn và đáp ứng đúng tiêu chí của thông điệp cần truyền tải hay không.
Hãy xây dựng Moodboard một cách cụ thể và có tính định hướng tốt hơn. Điều này có nghĩa là cần phân tách rõ ràng đối tượng hình ảnh thiết kế mà bạn muốn hướng đến và thực hiện. Tránh trình bày những hình ảnh quá mơ hồ, chung chung, không tập trung vào các điểm trọng yếu trong thiết kế.
Hãy xác định rõ màu sắc sẽ thuộc vùng màu – Mood & Tone nào? (Light Mute, Dark Mute, Bold Color, Neutral, Bright Color…). Hình ảnh chủ đạo trong ấn phẩm sẽ là gì? (Mặt trời, con người, hoa cỏ…). Tương tự, hãy cụ thể hóa kiểu chữ, bố cục, họa tiết...
Vậy, cơ sở nào để lựa chọn và định hướng hình ảnh như vậy? Hãy làm đúng! Làm đúng trước, nghĩ khác sau. Cụ thể, khi thực hiện một ấn phẩm mang phong cách thiết kế cụ thể (Art Nouveau, Swiss Design…), chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về hình ảnh, kiểu chữ, bố cục và màu sắc để thể hiện đúng tinh thần của phong cách đó.
Do đó, việc trau dồi kiến thức về lịch sử các trường phái nghệ thuật (Art Movements) – bao gồm bối cảnh ra đời, những tác phẩm nổi bật, triết lý của ngôn ngữ hình ảnh – cũng như về các phong trào thiết kế (Graphic Design Styles) – gồm người khởi xướng, hoàn cảnh hình thành và phát triển, các đặc trưng hình ảnh – là vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều này giúp xây dựng nền tảng về trải nghiệm thị giác (Visual Experience), bởi vì Đạt và các bạn không thể quay ngược thời gian để trực tiếp trải nghiệm hình ảnh trong giai đoạn lịch sử đó.
Lưu ý: Moodboard chỉ mang tính mô phỏng, không thuộc tác phẩm Sun Art Nouveau Pattern. Đạt trình bày ở đây để các bạn dễ hình dung hơn. Tức là Đạt đã tiến hành phân tích ngược để rèn luyện tư duy và trau dồi khả năng trình bày ý tưởng. Nhờ vào Moodboard, chúng ta có thể hình dung được tổng thể và chi tiết thiết kế sẽ thực hiện ở giai đoạn tiếp theo. Ví dụ trên minh họa một ấn phẩm trang trí, trong đó hình ảnh chính diện là mặt trời với nhiều họa tiết trang trí xung quanh, được xây dựng theo các nguyên tắc tín hiệu hình ảnh để thể hiện đúng tinh thần của trường phái Art Nouveau.
4. Bắt đầu từ đâu và làm gì để củng cố lại nền tảng thiết kế?
Nghiên cứu và tìm đọc về các trường phái nghệ thuật, phong trào thiết kế để hiểu ý nghĩa, triết lý cũng như các đặc điểm đặc trưng. Điều này giúp chúng ta phân biệt, nhận diện và ứng dụng chúng một cách chính xác khi cần.
Những yếu tố cần nghiên cứu:
Hình ảnh (Image): Các chất liệu hình ảnh, ảnh chụp, hình vẽ, hiệu ứng hình ảnh...
Kiểu chữ (Typeface): Phân loại kiểu chữ, phẫu thuật chữ (Anatomy of Type)...
Hình dạng (Shape): Phân loại cấu trúc (Geometric / Organic), cách thể hiện (Pattern, Line, Filled)...
Màu sắc (Color): Phân loại vùng màu sắc (Mood & Tone), quy tắc phối màu (Color Scheme)...
Ví dụ: Art Nouveau
Thời gian: 1890 – 1910
Phá bỏ ranh giới giữa nghệ thuật truyền thống (đặc biệt là hội họa và điêu khắc) với mỹ thuật ứng dụng.
Mang tính tâm linh, huyền học (chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Celtic).
Được xem là International Decorative Style, kế thừa tinh hoa từ phong trào Arts and Crafts.
Ảnh hưởng kỹ thuật in khắc mộc bản từ Nhật Bản (Ukiyo-e), tạo ra những tác phẩm đầy màu sắc.
Tín hiệu nhận dạng:
Hoa văn lặp lại (Pattern).
Đường kẻ dài, uốn lượn gợi liên tưởng đến thân cây (Whiplash Curve).
Thành phần trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên: dây leo, hoa cỏ (hoa ly, hoa hồng), chim (thường là chim công)...
Các yếu tố trang trí (Elements / Graphic Treatment) được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất, không phải trang trí ngẫu hứng.
5. Ứng dụng vào quy trình thực tế: Luôn có lý do cho việc lựa chọn chất liệu.
Một dự án thực tế mà Đạt đã thực hiện cho thương hiệu 8189 | Interior & Architecture đã áp dụng phong cách thiết kế 3D Isometric, phù hợp với dịch vụ cung cấp giải pháp và xây dựng không gian nội – ngoại thất của thương hiệu. Đồng thời, để gia tăng tính khác biệt về hình ảnh, Đạt đã kết hợp cùng chất liệu ảo ảnh thị giác (Optical Illusion), nhằm thể hiện tinh thần sáng tạo không giới hạn, độc đáo trong ý tưởng "không có gì là không thể" từ đội ngũ chuyên môn cao.
Cảm ơn tác giả!
Em là người hổng căn bản nên đọc những bài viết này thực sự khai sáng. Rất mong đợi các bài viết tiếp theo ạ